Đột ngột thất sủng Kế_Hoàng_hậu

Nam Tuần sinh chuyện

Năm Càn Long thứ 30 (1765), tháng 1, Na Lạp Hoàng hậu đi cùng Càn Long Đế trong lần du hành xuống phương Nam lần thứ 4, còn có 5 vị phi tần khác là Lệnh Quý phi Ngụy thị, Khánh phi Lục thị, Dung tần Hòa Trác thị, Vĩnh Thường tại Uông thị và Ninh Thường tại[34]. Đoàn du hành đi qua Dương Châu, Tô Châu, Giang Ninh trong vỏn vẹn một tháng trời.

Trong chuyến tuần du này, hết thảy mọi việc đều diễn ra bình thường, Càn Long Đế vẫn còn rất sủng ái Hoàng hậu, ngày 18 tháng 1 ra chỉ thưởng đồ ăn cho Hoàng hậu (mà không ra chỉ thưởng cho 6 vị cung phi kia)[35], ngày 9 tháng 2 khi Khánh phi dâng món ăn thì Càn Long Đế ra chỉ dụ tặng cho Hoàng hậu[36], thậm chí Càn Long Đế còn tổ chức buổi tiệc sinh nhật linh đình cho bà (tức ngày 10 tháng 2), năm đó vừa 48 tuổi. Sang ngày 14 tháng 2, tại hành cung Tây Hồ, truyền phủ dịch Tô Châu làm món ngũ vị hương nấu tổ yến cho Hoàng hậu[37]. Đến ngày 18 tháng 2, đoàn Nam tuần đã đến Hàng Châu, ngay khi trời sáng thì Càn Long Đế sai người gửi thức ăn đến cho Hoàng hậu, đặc biệt là trước khi ăn lẫn sau khi ăn đều có chỉ dụ ban thưởng cho bà[38]. Nhưng vào buổi cơm tối hôm đó, bà không lộ diện ăn cùng ông mà chỉ có 5 vị cung phi trên. Về sau, cho đến tận khi kết thúc Nam tuần, Hoàng hậu Na Lạp thị đều không còn xuất hiện nữa[39]. Sau này mới biết được, căn cứ Thượng dụ đương (上谕档) của triều Thanh[40], chính ngày 18 tháng 2 ấy, Càn Long Đế đã bí mật phái Ngạch phò Phúc Long An (福隆安), chồng của Hòa Thạc Hòa Gia công chúa, đích thân đưa Na Lạp Hoàng hậu về Bắc Kinh bằng đường thủy[41]. Phân lệ của Na Lạp hoàng hậu trong thời gian này vẫn giữ như cũ, tạm thời bị giam lỏng ở nơi bà sống là hậu viện của Dực Khôn cung.

Thu hồi sách bảo

Tháng 4, sau khi đoàn Nam Tuần trở về, Càn Long Đế bắt đầu cắt giảm người hầu của Na Lạp Hoàng hậu, nhưng vẫn giữ cung phân. Đến ngày 14 tháng 5 (âm lịch) cùng năm, Càn Long Đế ra chỉ dụ thu hồi 4 kim sách đã ban cho bà trước đây; tức là kim sách của [Hoàng hậu], [Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi], [Nhàn Quý phi] và [Nhàn phi]. Bên cạnh đó, Hoàng đế còn từng bước cắt giảm số cung nữ theo hầu bà, và đến tháng 7 thì chỉ còn có hai người cung nữ bên cạnh Hoàng hậu. Tuy nhiên Hoàng đế vẫn giữ lại 10 Thái giám có nhiệm vụ giám sát.

Năm Càn Long thứ 31 (1766), ngày 14 tháng 7 (âm lịch), giờ Mùi, Hoàng hậu Na Lạp thị qua đời, chung niên 49 tuổi[42]. Bà được ghi nhận là bệnh rất nặng vào tháng 6 năm đó, tuy nhiên Càn Long Đế vẫn không hoãn chuyến đi nghỉ hè ở sơn trang Thừa Đức[43]. Việc bà qua đời ở Dực Khôn cung hay Vĩnh Hòa cung vẫn còn nghi vấn, vì theo ghi chép việc đưa than theo phân lệ, vào ngày Na Lạp thị qua đời thì Vĩnh Hòa cung ngừng đưa than, do đó không ít nhận định Na Lạp thị qua đời tại Vĩnh Hòa cung. Tuy nhiên, vì sao khi về kinh sư, Càn Long Đế đem Hoàng hậu giam ở hậu viện Dực Khôn cung, mà đến khi qua đời thì bà lại ở Vĩnh Hòa cung cũng gây tranh cãi.

Khi Hoàng hậu Na Lạp thị mất, Càn Long Đế đang ở Mộc Lang Vi Trường (木蘭圍場) săn thú. Ông không phản ứng bi ai, cũng không dừng chuyến đi săn lại mà chỉ sai Hoàng tử Vĩnh Cơ về Tử Cấm Thành chịu tang[44][45]. Ngày hôm sau (15 tháng 7), Càn Long Đế ra chỉ dụ, đại khái ý tứ như sau:

据留京办事王大臣奏,皇后于本月十四日未时薨逝。皇后自册立以来尚无失德。去年春,朕恭奉皇太后巡幸江浙,正承欢洽庆之时,皇后性忽改常,于皇太后前不能恪尽孝道。比至杭州,则举动尤乖正理,迹类疯迷。因令先程回京,在宫调摄。经今一载余,病势日剧,遂尔奄逝。此实皇后福分浅薄,不能仰承圣母慈眷、长受朕恩礼所致。若论其行事乖违,即予以废黜亦理所当然。朕仍存其名号,已为格外优容。但饰终典礼,不便复循孝贤皇后大事办理。所有丧仪,只可照皇贵妃例行,交内务府大臣承办。著将此宣谕中外知之。

...

Theo lưu kinh bạn sự vương đại thần tấu, Hoàng hậu mất (hoăng; 薨) vào giờ Mùi ngày 14 tháng này,

Hoàng hậu tự sắc lập tới nay, chưa từng làm gì sai trái. Mùa xuân năm trước, trẫm cung phụng Hoàng thái hậu tuần du Giang Chiết, đúng ra là việc vui mừng, nhưng Hoàng hậu tính khí thay đổi, không thể giữ hiếu đạo với Thái hậu. Khi đến Hàng Châu, hành động sai trái, cử chỉ điên loạn. Vì vậy trước lệnh cho Hoàng hậu hồi kinh, ở trong cung hối lỗi. Sau Hoàng hậu phát bệnh, ngày càng nguy kịch, mất đi tính mạng. Việc này là do Hoàng hậu phúc phận nông cạn, không thể dựa vào Thánh mẫu từ quyến, cũng là do Trẫm thường ban cho ân lễ mà nên nỗi. Luận việc Hoàng hậu hành sự thất thường như vậy, đương nhiên có thể phế truất, nhưng trẫm vẫn giữ lại vị hiệu, đã là phá lệ rộng rãi.

Về tang lễ, tất nhiên không thể cứ theo Hiếu Hiền hoàng hậu mà xử lý, nên lấy lễ an táng Hoàng quý phi mà làm, giao cho Nội vụ phủ đại thần gánh vác. Hãy đem chỉ dụ này ban hành.

— Càn Long năm thứ 31, chỉ dụ ngày 15 tháng 7[Chú 16]

Nhìn chung, Càn Long Đế ý nói Na Lạp Hoàng hậu qua đời là do không có phúc phận, không tiện cử hành đại tang như Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu năm xưa, nên dụ cho Nội vụ phủ tiến hành an táng theo nghi thức dành cho Hoàng quý phi, vào Phi viên tẩm của Dụ lăng, chôn vào Minh lâu to nhất trong viên tẩm, bên cạnh quan tài của Thuần Huệ Hoàng quý phi. Gia đình Na Lạp thị khi Na Lạp Hoàng hậu thất sủng cũng bị cưỡng chế đổi trở lại thành Mãn Châu Tương Lam kỳ, tước vị "Thế quản Tá lĩnh" cũng bị tước bỏ, đổi lại thành "Công trung Tá lĩnh". Gia đình của Hoàng hậu từ đó trở nên xuống dốc.